Air Jordan, thứ lẽ ra chẳng có trên thị trường
Nếu như Converse có hứng thú hơn, nếu như Adidas sẵn sàng hơn vào thời điểm ấy và nếu như Michael Jordan kiên quyết từ chối Nike, dòng giày huyền thoại Air Jordan có lẽ sẽ chẳng bao giờ có mặt trên thế giới này. Với rất nhiều tín đồ đam mê bóng rổ nói chung và những người đam mê giày nói riêng trên toàn thế giới, dòng giày Air Jordan của Nike thật sự đã trở thành một tượng đài của nền văn hoá sát mặt đất.
Không chỉ mang tính truyền thống, mỗi thiết kế cũng như phối màu của giày Air Jordan đều chứa đựng những câu chuyện li kì bên cạnh ngoại hình dễ gây ấn tượng với tất cả người tiêu dùng. Muà hè năm 1984 , Converse đang là cái tên thống trị thị trường giày NBA với việc tài trợ cho hàng loạt những ngôi sao đương thời như Magic Johnson, Julius Erving hay Larry Bird. Với một chàng tân binh nhưng đầy tài năng như Michael Jordan, hiển nhiên ông rất muốn gia nhập vào đội ngũ những con người ấy. Nhưng Converse đã từ chối thẳng thừng vì cho rằng Michael Jordan sẽ chẳng thể vượt qua những tên tuổi ấy. Lúc bấy giờ, cầu thủ tân binh 21 tuổi vẫn còn một sự lựa chọn khác là Adidas. Michael Jordan luôn yêu thích hãng giày thể thao đến từ nước Đức, nhưng như một sự trớ trêu rằng, họ chưa thể sẵn sàng để tiến vào thị trường giày bóng rổ trong thời điểm ấy.
Nike thời điểm đó vẫn chưa phải là một đế chế tỷ đô như hiện tại mà vẫn còn đang trong công cuộc vật lộn tìm chỗ đứng chân ở thị trường quê nhà. Nhìn thấy cơ hội đã tới, họ không ngần ngại xúc tiến các cuộc gặp với Michael Jordan, nhưng cầu thủ của Chicago Bulls lại không hề hứng thú với điều đó. Quyết định chuyển cách tiếp cận sang ba mẹ của Michael Jordan và chính nhờ công sức thuyết phục của đấng sinh thành, huyền thoại của Chicago Bulls mới chịu đi đến một cuộc gặp gỡ với Nike và từ đây, hãng giày thể thao này đã bộc lộ ý định thiết kế hẳn cho Michael Jordan một mẫu giày thửa của riêng mình. Air Jordan 1 chính thức ra đời với kỳ vọng sẽ đạt doanh số bán hàng 3 triệu USD sau kỳ hạn ấy.
Thế nhưng, không những con số 3 triệu USD nhanh chóng bị vượt qua, mà Nike thậm chí còn thu về số tiền khổng lồ 124 triệu USD chỉ sau đúng một mùa giải tân binh ấn tượng của Michael Jordan, dù cho giá bán của đôi giày ở mức cao ngất ngưỡng 65 USD (kỷ lục vào thời điểm ấy). Có thể nói, quyết định sai lầm của Converse và sự chậm trễ của Adidas đã giúp Michael Jordan và Nike có một hợp đồng tài trợ giày thành công nhất trong lịch sử giày thể thao nước Mỹ.
Cre : sport5.vn